English | Vietnamese
Firm News
     
Interview by newspaper 2009 (3-10-2010)
Interview by newspaper 2009

 


 

Thành phố HCM ngày 08/04/2009


Kính gửi Bà: Trinh Nguyễn_GĐ: Công ty Trinh Nguyen & Partners

Xin chị vui lòng trả lời một số câu hỏi sau :


Câu 1 : Với tư cách là một Luật sư, chị có nhìn nhận và đánh giá như thế nào về vai trò và tiềm năng phát triển của ngành tư vấn luật tại Việt Nam?

Câu hỏi này khó thể trả lời một cách ngắn gọn mà đầy đủ. Nhưng nếu nói một cách tóm tắt, tôi lạc quan với tiềm năng phát triển của ngành tư vấn luật tại Việt Nam và tin rằng sẽ càng có nhiều người thấy được tầm quan trọng của tư vấn luật trong kinh doanh và trong cuộc sống nhất là bối cảnh của một Việt Nam đang hội nhập tốc độ cao.

 Muốn nhìn thấy vai trò và tiềm năng phát triển của ngành tư vấn luật tại Việt Nam, thì phải nhìn lại một giai đoạn phát triển của nến kinh tế Việt Nam.

Nghề luật nói chung và đặc biệt là tư vấn luật thương mại và công ty theo tôi chỉ mới phát triển ở Việt Nam trong khoảng trên dưới 10 năm, mặc dù trước đó cũng đã có những luật sư tranh tụng hay luật sư tu vấn hành nghề riêng rẽ. Vào những năm đầu và giữa thập niên 90 của thế kỷ truớc-thế kỷ 20 (nghe có vẻ xa vời, nhưng hiện tại chúng ta đang ở thế kỷ 21), tôi may mắn được là một trong khoảng 5 sinh viên tốt nghiệp của khoa luật trường đại học tổng hợp khóa đầu tiên chập chững bước vào nghề luật thông qua công việc tập sự tại một trong số các công ty luật quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam. Có lẽ vào những năm 1994-1995 thì ngành tư vấn luật ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển vì vào những năm đó, khoảng 7 năm sau khi Việt Nam mở cửa cho đầu tư nước ngoài, thì nhu cầu tư vấn luật cho các công ty nước ngoài vào đầu tư tại Việt nam bắt đầu gia tăng. Lúc bấy giờ Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên một loạt luật và quy định dưới luật được ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật trong giao dịch kinh tế. Với tập quán sử dụng tư vấn luật để phân tích và đàm phán một giao dịch kinh doanh nhất là tại một nước khác, như là một bước không thể thiếu trong công việc kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, những nhà đầu tư này khi vào Việt Nam kinh doanh, những luật sư tư vấn của họ cũng đi tiền trạm để nghiên cứu luật pháp và tư vấn cho họ. Những hãng luật quốc tế cũng rất nhanh nhạy, họ nhanh chóng lập các chi nhánh của các hãng luật quốc tế tại Việt Nam để phục vụ khách hàng của họ và tuyển dụng luật sư tập sự Việt Nam. Chính nơi đây là những lò đào tạo các luật sư tư vấn chuyên nghiệp. Hầu hết những luật sư tư vấn tên tuổi của Việt Nam hiện là giám đốc hoặc trưởng văn phòng luật tư vấn cũng từng được “học nghề” tại đấy. Sau này khi kinh tế khủng hoảng vào những năm cuối của thập niên 90, các hãng luật nước ngoài với các chính sách riêng của họ thu nhỏ hoặc đóng của chi nhánh của họ. Khi đó nhu vầu tư vấn của doanh nghiệp Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn, và một số luật sư VN được đào tạo từ các hãng luật nước ngoài cộng với một số luật sư có chí hướng đã nắm lấy thời cơ và phát triển một ngành luật tư vấn. Tôi rất tự hào về các đồng nghiệp cùng khóa của tôi mà nay đã tạo nên những tên tuổi cho ngành luật tư vấn Việt Nam như Ngô Thanh Tùng, chủ tịch của Vilaf; Lê Công Định, luật sư trưởng của DC Law; Hoàng Kim Oanh của Baker Mckenzie. Các bạn ấy đã trở thành niềm tự hào cho giới luật sư Việt Nam. Khi tôi trở về từ Úc sau nhiềm năm “chiến đấu” để có được bằng hành nghề tại tòa thượng thẩm bang Victoria nước Úc, thì các bạn của tôi đã thành công trong việc gây dựng nên những công ty luật tư vấn chuyên nghiệp. Tôi vui vì thấy công ty Trinh Nguyen & Partner của chúng tôi cũng đã góp phần nhỏ của mình cùng các bạn ấy tạo nên một ngành luật tư vấn do những luật sư Việt Nam đảm nhận phục vụ khách hàng Việt Nam trong giao dịch kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã thêm một số luật sư không chỉ được rèn luyện từ các hãng luật Nước ngoài tại Việt Nam mà được đào tạo chính quy có hệ thống và được tiếp cận cách giảng dạy luật ở nước ngoài cũng như cách tư vấn của các hãng luật Nước ngoài. Đó là nền tảng cho việc phát triển ngành luật tư vấn của Việt Nam. Hiện tại với nhu cầu tư vấn ngày một gia tăng, ngành tư vấn luật Việt Nam càng có đất dụng võ.


Câu 2 : Thưa chị, Việt Nam đã gia nhập sân chơi lớn WTO, tuy nhiên nhìn chung về mặt am hiểu luật pháp quốc tế của các doanh nghiệp trong nước còn khá khiêm tốn, Vậy là một công ty Luật chị có quan tâm tìm hiểu và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mảng tư vấn luật thương mại quốc tế không thưa chị?

Cảm ơn câu hỏi này. Là một công ty luật tư vấn chuyên nghiệp, chúng tôi không chỉ đơn thuần “quan tâm tìm hiểu và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mảng tư vấn luật thương mại quốc tế”, mà đó chính là công việc hàng ngày của chúng tôi. Trong lúc tư vấn cho các khách hàng chúng tôi đã làm công việc hỗ trợ kiến thức cho khách hàng, giúp họ quen thuộc hơn với sân chơi lớn. Trong các giao dịch làm ăn với các công ty nước ngoài, là luật sư tư vấn của các khách hàng Việt Nam, chúng tôi phải đặt mình vào vị trí của khách hàng mình, đặt lên bàn những vấn đề cần cân nhắc trong giao dịch dựa trên cơ sở luật pháp trong nước và những hợp đồng mẫu mà các đối tác nước ngoài áp dụng. Ở Trinh Nguyen & Partners, chúng tôi dùng những kinh nghiệm khi làm việc cho các khách hàng nước ngoài để áp dụng tư vấn cho những khách hàng Việt Nam, trình cho họ những bở ngỡ trong thương thảo giao kết Hợp đồng với nước ngoài. Chúng tôi tự hào giúp những doanh nghiệp Việt Nam trong các giao dịch lớn, thuê các nhà thầu quốc tế xây dựng cao ốc có tính biểu tượng của thành phố như M&C Tower, hoặc giúp họ thương thảo với Lemahn Brothers trong các dự định hợp tác… (tất nhiên là trước khi Lemahn Brothers phá sản!) và nhiều nữa những giao dịch khác


Câu 3 : Trở lại với ngành Luật. Thưa chị không thể phủ nhận những gì mà ngành luật đã làm được trong thời gian qua. Tuy nhiên còn một vấn đề đặt ra là phần lớn người dân và doanh nghiệp đều có ý nghĩ rất ngại nhờ tới các công ty Tư vấn luật vì họ nghĩ chi phí cho các luật sư rất cao. Vậy thực tế thì chi phí cho việc này như thế nào thưa chị?

Đây là một thực tế đáng buồn nhưng điều này có nhiều nguyên nhân, có thể là do các doanh nghiệp chưa nhìn ra được những lợi ích thiết thực của việc tư vấn. Nhưng nói đi thì phải nói lại, cũng có thể là do các nhà tư vấn chưa đủ sức thuyết phục hoặc tạo niềm tin từ doanh nghiệp. Tôi vẫn thường nói với khách hàng tôi cả nước ngoài lẫn Việt Nam rằng phí tư vấn của chúng tôi không rẻ. Nhưng những gì chúng tôi mang lại cho quý vị là những phân tích chuyên nghiệp, các tổng hợp và những lời khuyên dựa vào tình huống kinh doanh của quý vị và luật pháp hiện hành, và cùng quý vị kiến tạo nên một giao dịch hoặc cơ cấu đầu tư mang lại cho quý vị  lợi nhuận hoặc giảm thiểu rủi ro cho quý vị gấp trăm lần phí các vị bỏ ra. Để có được những lời tư vấn đó chúng tôi phải nghiên cứu nghiêm túc, tích lũy hàng nhiều năm kinh nghiệm và hàng chục năm học tập ở trong nước cũng như ngoài nước va chạm nhiều thực tế. Và trên hết vì lợi ích của quý vị chúng tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, vắt óc suy nghĩ giải pháp, vì vậy chúng tôi cần đủ tiền để đầu tư vào chất xám đã được bỏ ra để làm giàu quý vị!


Câu 4: Trong tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, phần lớn các ngành kinh doanh đều gặp khó khăn. Vậy với ngành tư vấn luật chị có thể cho biết tình hình như thế nào?

Như đã nói ở trên tôi rất lạc quan với ngành luật kể cả tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay. Nói như partner của tôi Tiến sĩ Phan Huy Hồng, “trong suy thoái người ta vẫn cần đến luật sư”. Tôi nghĩ rằng trong suy thoái người ta càng cần đến luật sư hơn vì họ cần phải cẩn trọng hơn trong các giao dịch mới và phải gỡ rối những giao dịch hiện có đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Công ty Trinh Nguyen & Partners vẫn may mắn được khách hàng tìm đến. Trong thời khắc khó khăn nhất, chúng tôi không chỉ làm công việc tư vấn nghiên cứu đơn thuần mà còn phải là bạn đồng hành giúp họ lèo lái con tàu kinh doanh của họ sao cho mang lại lợi ích nhất trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Hiện tại chúng tôi đang được một số yêu cầu làm luật sư tư vấn thường xuyên cho họ.
 

Câu 5 :  Và đâu là biện pháp để khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn này  thưa chị?

Đây là câu hỏi vĩ mô xin nhường lại cho các nhà làm chính sách. Tất nhiên chúng tôi cũng có thể kiến nghị nhưng không thể nói hết trong khuôn khổ trang báo này.

Trân trọng cảm ơn chị.